Quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm: Vẫn khó và rối

(HNM) - Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật An toàn thực phẩm (ATTP) với quy định quyền cấp phép cho sản phẩm thực phẩm được chia đều cho 3 bộ (Y tế, NN&PTNT, Công thương) khiến doanh nghiệp lo ngại sẽ phải tít mù vòng quanh để chạy thủ tục.

Nên để Bộ Y tế "độc quyền" cấp phép?

20110418-thucpham
Chất lượng thực phẩm phải được kiểm tra, giám sát toàn diện để tránh những 
rủi ro đáng tiếc cho người tiêu dùng. Ảnh: Linh Tâm

Theo Dự thảo (lần thứ 16) Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật ATTP, một đối tượng sản phẩm thực phẩm chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP). Với các nhóm thực phẩm, sản phẩm có chứa nhiều thành phần mà các thành phần đó thuộc trách nhiệm quản lý của các bộ khác nhau thì trách nhiệm quản lý thuộc về bộ quản lý thành phần chính hoặc thành phần quyết định đặc tính đặc trưng tên gọi của sản phẩm. Ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục ATVSTP cho rằng, nên quy định việc tiếp nhận công bố hợp quy sản phẩm về một bộ. Nếu quy định doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh mặt hàng nào thì công bố chất lượng sản phẩm tại bộ, ngành chủ quản thì có thể gây rắc rối. Ví dụ, một đơn vị kinh doanh ba mặt hàng khác nhau: Thực phẩm chức năng (Bộ Y tế quản lý), bột mì (Bộ Công thương quản lý), thịt (Bộ NN&PTNT quản lý) thì họ sẽ phải chạy đến ba bộ quản lý chuyên ngành của 3 loại sản phẩm trên để lo thủ tục công bố chất lượng. Việc này gây khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, để có thể cấp phép, các bộ sẽ phải thành lập thêm đơn vị cấp phép vì hiện tại việc này vẫn chỉ do duy nhất một đầu mối Bộ Y tế đảm nhận. "Quản lý chặt chẽ, hiệu quả nhưng phải trên nguyên tắc không được làm khó doanh nghiệp do thủ tục rườm rà" - ông Nguyễn Công Khẩn nhấn mạnh. 

Ông Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng, nguyên Cục trưởng Cục ATVSTP lấy làm tiếc vì 10 năm qua, ta đã gần tiếp cận được với thế giới về thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép (tiếp nhận các công bố hợp quy sản phẩm) với việc chỉ Bộ Y tế là đầu mối thì dự thảo này lại đi ngược lại: đưa ra quy định "chia nát" việc cấp phép. Như vậy là đã đi lùi lại 10 năm trước trong vấn đề thủ tục hành chính. Ông Đáng cho biết: "Việc quy định đầu mối cấp phép (tiếp nhận hợp quy, hợp chuẩn thực phẩm) đã được quy định tại Điều 43 của Pháp lệnh ATVSTP. Để cho ra được điều khoản này, chúng tôi đã mời 2 chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tư vấn và phải mất 2 năm xây dựng sau khi khảo sát tại 21 quốc gia. Tại nhiều nước, việc tiếp nhận công bố chất lượng sản phẩm thực phẩm đều thuộc bộ sức khỏe đảm nhận". Theo ông Trần Đáng, "chia nát" khâu cấp phép là không phù hợp với quy định của Luật ATTP (theo Điều 63): Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm quản lý 9 ngành hàng, Bộ Công thương quản lý 7 ngành hàng nhưng chỉ chịu trách nhiệm ở khâu nguyên liệu, sản xuất, chế biến chứ không chịu trách nhiệm về tiêu dùng. Còn Bộ Y tế, ngoài việc phụ trách 5 nhóm mặt hàng sẽ phải chịu trách nhiệm chung trước Chính phủ về ATVSTP. Nghĩa là khi các sản phẩm trở thành thực phẩm tiêu dùng, Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm về chất lượng của thực phẩm đó trước khi "đưa vào miệng" hơn 86 triệu dân. Không làm tốt khâu này sẽ còn gia tăng các bệnh mãn tính, bệnh do thực phẩm bởi các chất tồn dư độc hại. 

Kiểm soát nguy cơ mất an toàn từ thực phẩm 

Tại hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn thực hiện Luật ATTP tổ chức tuần qua, bà Phan Thị Kim, Chủ tịch Hội Khoa học - Kỹ thuật ATTP Việt Nam đề xuất nên phân công cụ thể trách nhiệm quản lý cho từng bộ, ngành, không nên quy định chung chung, khó thực hiện. Bà Kim cũng góp ý nên giao Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý thực phẩm thành phẩm, giai đoạn sản xuất do 3 bộ chuyên ngành quản lý. Trong quản lý chất lượng thực phẩm, không vì tiết kiệm cho doanh nghiệp mà bỏ công đoạn ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng. Bà Phan Thị Kim lấy ví dụ món thịt, cá xông khói, giai đoạn sản xuất có sử dụng 320 chất, trong đó có những chất độc như benzen, fenol, forrmaldehyd… rất cần kiểm tra xem có đạt tiêu chuẩn với sức khỏe hay không mới cho lưu hành. Mà việc này lâu nay do ngành y tế đảm nhận với đủ điều kiện về nhân lực, thiết bị. 

Ông Trần Đáng cho rằng, chất lượng thực phẩm phải được giám sát, đánh giá toàn diện: Đánh giá được giá trị của thực phẩm; nguy cơ cấp tính của thực phẩm; tác động của các nhóm thực phẩm với chu kỳ con người (với người già, người không nhai nuốt được, với trẻ em...); tác động của thực phẩm với cải thiện giống nòi. Với các yêu cầu mang tính toàn diện như vậy thì Bộ Y tế đảm nhiệm là hoàn toàn phù hợp. Tuy nhiên, Bộ Y tế cũng cần quản lý chặt chẽ hệ thống kiểm nghiệm ATVSTP; thẩm định các phòng xét nghiệm đủ năng lực cũng như có phòng xét nghiệm trọng tài trong trường hợp xảy ra tranh cãi về kết quả xét nghiệm với mẫu thực phẩm. Trong nhiều trường hợp, kết quả xét nghiệm quyết định sự sống còn của doanh nghiệp vì nó là cơ sở để cơ quan quản lý ra quyết định cho lưu hành hay tiêu hủy sản phẩm.

Nguồn: "Báo Hànộimới"  

FACEBOOK GIA PHÚ CƯỜNG

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

0938920568 - 0938920568

Skype Yahoo
Zalo
Hotline tư vấn: 028. 38120594
Về đầu trang