Nhìn lại 4 năm Bách Hóa Xanh: Mở gần 1.000 cửa hàng, liên tục thử nghiệm và thay đổi mô hình nhưng vẫn chưa tạo ra lợi nhuận

 Công ty chứng khoán Rồng Việt vừa có báo cáo cập nhật tình hình hoạt động của chuỗi Bách Hóa Xanh sau 4 năm hoạt động. Sau những thử nghiệm, Bách Hóa Xanh đang dần tìm được công thức cho các cửa hàng và bắt đầu ồ ạt mở rộng trong năm 2019.

 
Nhìn lại 4 năm Bách Hóa Xanh: Mở gần 1.000 cửa hàng, liên tục thử nghiệm và thay đổi mô hình nhưng vẫn chưa tạo ra lợi nhuận
 
 
 

Cuối 2015 – đầu 2016: Thử nghiệm đầu tiên

Giai đoạn này, chuỗi Thế Giới Di Động vẫn đang trong thời kỳ hoàng kim và Điện Máy Xanh mới chỉ bắt đầu mở rộng ồ ạt. Công ty đạt mức tăng trưởng lên tới 60% về doanh thu và lợi nhuận trong năm 2015.

Nhìn thấy thị trường di động thông minh sẽ sớm bão hòa và điện máy tiêu dùng sẽ không thể duy trì tăng trưởng cao trong thời gian dài sau đó, ban lãnh đạo bắt đầu nghĩ về một thị trường bán lẻ mới đủ lớn cho triển vọng tăng trưởng lâu dài của tập đoàn trong khi đáp ứng các yếu tố là vẫn còn phân mảnh và chưa có người dẫn dắt. Ngành bán lẻ thực phẩm và FMCG là câu trả lời và Bách Hóa Xanh – chuỗi minimart của Thế Giới Di Động ra đời vào cuối năm 2015.

Công ty lấy ý tưởng từ Alfamart – top 2 chuỗi bán lẻ bách hóa lớn nhất Indonesia, và cố gắng nhân rộng nó tại Việt Nam. Các cửa hàng Bách Hóa Xanh phải có quy mô của 1 cửa hàng tiện lợi để có thể thâm nhập sâu vào các khu dân cư cũng như có danh mục hàng hóa của 1 siêu thị thu nhỏ. Những cửa hàng đầu tiên có quy mô chỉ dưới 100 m2, được mở tại quận Bình Tân – nơi có mật độ dân cư cao nhất TP HCM.

Trong giai đoạn này, Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh đang mở rộng liên tục, với số cửa hàng tăng gần gấp đôi trong năm 2016 (từ 629 lên 1.206). Công ty không còn nhiều nguồn lực tập trung cho Bách Hóa Xanh, chuỗi này kết thúc năm 2016 với 40 cửa hàng.

 

2017: Bắt đầu mở rộng nhanh chóng

Năm 2017 là thời điểm Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh vẫn đang mở rộng ồ ạt, dòng tiền dồi dào từ 2 chuỗi này vẫn đủ để đẩy mạnh Bách Hóa Xanh. Thế Giới Di Động có dòng tiền dương rất mạnh từ hoạt động kinh doanh, gần 2.700 tỷ đồng trong năm 2017 sau 2 năm có dòng tiền âm. Do đó, lúc này bài toán của Bách Hóa Xanh không còn là vốn, mà là tìm ra mô hình thích hợp.

Đầu năm 2017, Thế Giới Di Động có 50 cửa hàng Bách Hóa Xanh, tất cả đều ở quận Bình Tân với doanh thu trung bình mỗi tháng đạt 1 tỷ đồng/cửa hàng và giá trị trung bình/hóa đơn khoảng 50.000 đồng. Đây là những con số đã rất cao so với các chuỗi minimart khác.

Bách Hóa Xanh mở rộng từ Bình Tân sang Tân Phú và tập trung lấp đầy 2 quận đông dân phía Tây của TPHCM. Tuy nhiên, hiệu ứng tự tước đoạt doanh thu (cannibalization) bắt đầu xuất hiện và doanh thu trung bình của Bách Hóa Xanh nhanh chóng sụt giảm xuống mức 700 triệu đồng/tháng vào cuối năm 2017, với tổng số cửa hàng đạt 283.

Cũng trong năm 2017, Bách Hóa Xanh bắt đầu kí kết hợp đồng thu mua thực phẩm tươi với các đối tác lớn để đảm bảo nguồn hàng lớn và bền vững, cụ thể là hợp đồng mua trái cây từ Hoàng Anh Gia Lai.

Nhìn lại 4 năm Bách Hóa Xanh: Mở gần 1.000 cửa hàng, liên tục thử nghiệm và thay đổi mô hình nhưng vẫn chưa tạo ra lợi nhuận - Ảnh 1.
 

 

2018: Thay đổi lớn trong mô hình

Doanh thu trung bình của hệ thống Bách Hóa Xanh lúc này vẫn trên đà giảm và chạm đáy tại mức 600 triệu đồng/cửa hàng vào tháng 2/2018. Nguyên nhân được xác định đến từ mô hình cửa hàng không phù hợp. Các cửa hàng nhỏ nằm sâu trong khu dân cư không thể có được lượng khách và doanh thu đủ lớn, đồng thời quy mô nhỏ cũng không cho phép đáp ứng đủ lượng SKUs (Stock Keeping Unit - đơn vị lưu kho) cho nhu cầu hàng ngày của khách hàng.

Từ Q2/2018 Thế Giới Di Động bắt đầu thay đổi mô hình cửa hàng Bách Hóa Xanh. Theo đó cửa hàng mới sẽ có diện tích từ 150-250 m2 (đối với loại chuẩn) và 300 m2 (đối với loại lớn), nằm trên các trục đường lớn dẫn vào khu dân cư hoặc ngay cạnh các chợ truyền thống. Ngoài ra, không gian giành cho thực phẩm tươi sống cũng được mở rộng với số lượng SKUs tươi tăng từ khoảng 100 lên tới 300-500. Các tiêu chuẩn mới được thêm vào để đánh giá KPI của nhân viên: thái độ niềm nở, không gian trưng bày sạch và ngăn nắp, thực phẩm tươi, tay nghề chế biến thịt cá…

Nhờ đó, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng nhanh chóng hồi phục và đạt 1,2 tỷ/tháng vào cuối 2018. Nhờ quy mô lớn hơn và gia tăng tỷ lệ hàng tươi sống/tổng doanh thu, biên lợi nhuận gộp của Bách Hóa Xanh tăng từ 14% lên 18% trong năm. Bách Hóa Xanh tiếp tục thâm nhập sâu vào các quận khác tại TP HCM cũng như tiến ra các tỉnh miền Nam.

Dù vậy, không phải cửa hàng mô hình cũ nào cũng có thể được mở rộng và chuyển đổi sang mô hình mới, rất nhiều trong số đó bị đóng cửa và dẫn tới chi phí cao (khấu hao còn lại không thể kết chuyển, tiền đền bù hợp đồng thuê…).

Bách Hóa Xanh kết thúc năm 2018 với 405 cửa hàng (90% tại TP HCM). Chuỗi này cũng đạt được cột mốc quan trọng: hòa vốn EBITDA tại cấp độ cửa hàng vào tháng 12/2018.

Nhìn lại 4 năm Bách Hóa Xanh: Mở gần 1.000 cửa hàng, liên tục thử nghiệm và thay đổi mô hình nhưng vẫn chưa tạo ra lợi nhuận - Ảnh 2.
 

 

2019: Nhân rộng mô hình thành công ra các tỉnh

Sang năm 2019, Bách Hóa Xanh mất 1 quý đầu năm để hoàn tất việc chuyển đổi/đóng các cửa hàng còn lại của mô hình cũ, trước khi bắt đầu mở rộng ồ ạt với tốc độ khoảng 60 cửa hàng mới mỗi tháng.

Do tỷ lệ thực phẩm tươi/tổng doanh thu đã chạm 50% và không còn nhiều dư địa tăng thêm, Bách Hóa Xanh chuyển trọng tâm sang tối ưu khâu mua hàng. Ngoài việc có thể đàm phán mức giá tốt hơn từ các nhà cung cấp FMCG do gia tăng quy mô, Bách Hóa Xanh đã và đang cắt giảm các đối tác trung gian (nhà phân phối) đối với mặt hàng thực phẩm tươi và mua trực tiếp nhiều hơn từ nhà cung cấp/hộ nông dân. Từ đó biên lợi nhuận gộp tăng từ 18% lên 20% YTD.

Tại ngày 31/11/2019, chuỗi Bách Hóa Xanh có tổng cộng 938 cửa hàng, 514 trong đó nằm ở 20 tỉnh thành miền Nam và Nam Trung Bộ, tương đương khoảng 55% số cửa hàng của toàn chuỗi.

Đẩy mạnh tốc độ mở cửa hàng và trung tâm phân phối cũng làm gia tăng nhanh chóng chi phí trong khi doanh thu tạo ra từ các cửa hàng hiện hữu chưa đủ để bù đắp. Như vậy sau 4 năm hoạt động, Bách Hóa Xanh vẫn chưa tạo ra lợi nhuận cho Thế Giới Di Động.

Nhìn về phía trước, Thế Giới Di Động đặt mục tiêu Bách Hóa Xanh sẽ hòa vốn toàn bộ trong năm 2020. Mặc dù vẫn còn rất nhiều điều phải cải thiện, Chứng khoán Rồng Việt đánh giá Bách Hóa Xanh đang đi đúng hướng.

Theo cafebiz

 

FACEBOOK GIA PHÚ CƯỜNG

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

0938920568 - 0938920568

Skype Yahoo
Zalo
Hotline tư vấn: 028. 38120594
Về đầu trang