'Ly thủy tinh màu lòe loẹt dễ gây nhiễm độc chì'

Trước cảnh báo về 10 loại ly nhựa, thủy tinh có hàm lượng chì vượt hàng nghìn lần cho phép, nhiều tỉnh thành kiểm tra thu hồi hàng để tiêu hủy; còn các chuyên gia cảnh báo không nên dùng sản phẩm được in màu sắc quá nổi.
> Cảnh báo về cốc thủy tinh chứa chì độc

Dựa trên báo cáo kiểm nghiệm 10 loại ly thủy tinh, ly nhựa cho kết quả hàm lượng chì quá cao của Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng tỉnh An Giang, vài ngày trước Cục Quản lý chất lượng hàng hóa thuộc Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng đưa ra cảnh báo về cốc thủy tinh có chì độc, có thể làm giảm chỉ số thông minh của trẻ.

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Minh Chiến, Chi cục trưởng Chi cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng An Giang cho biết, đơn vị chọn lấy ngẫu nhiên 10 mẫu sản phẩm ly để kiểm tra. Hầu hết những mẫu này đều có màu sắc rất lòe loẹt nổi bật, được cho là có xuất xứ từ Trung Quốc và nhập khẩu theo đường tiểu ngạch. Kết quả kiểm nghiệm đều phát hiện hàm lượng chì (trong lớp tráng, bọc cốc có khả năng thôi nhiễm) vượt quá mức cho phép. Cụ thể: chì trong mẫu ly thủy tinh vượt hơn 2.000 lần; trong mẫu bình và ly nhựa vượt 1,2-8,3 lần.


Các mẫu ly nhựa và ly thủy tinh được cơ quan chức năng khuyến cáo không nên mua dùng bởi nồng độ chì vượt mức cho phép. Ảnh: QT3.
Theo ông Chiến, ngay sau khi có kết quả kiểm định, cơ quan chức năng tỉnh đã tiến hành tịch thu tiêu hủy hoặc cho tái chế các sản phẩm trong danh mục có độc, đồng thời cảnh báo người dùng không mua và sử dụng những mặt hàng này.

Đồng thời Chi cục cũng đang kiến nghị UBND tỉnh cho phép rà soát lại toàn bộ các mặt hàng gia dụng sản xuất từ nguyên liệu nhựa và thủy tinh trong địa bàn tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Không chỉ ở An Giang, nhiều tỉnh thành khác trong đó có cả TP HCM, Hà Nội, cũng xuất hiện các loại ly nhựa, cốc thủy tinh không rõ nguồn gốc xuất xứ. Sau khi có cảnh báo, các cơ quan chức năng TP HCM cũng vào cuộc kiểm tra, phát hiện và tịch thu các loại ly trong danh mục để tiến hành tiêu hủy.

Theo ông Hoàng Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3, hiện các siêu thị, nhà sách tại TP HCM không còn bán các loại cốc này, tuy nhiên nhiều khả năng các sản phẩm này được tuồn ra những cửa hàng nhỏ lẻ và chợ trời. Do đó, một mặt khuyên người tiêu dùng không nên quá hoang mang trước thông tin này, nhưng ông Lâm cũng khuyến cáo người dân phải tự ý thức khi chọn mua hàng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để bảo vệ sức khỏe của mình.

"Qua kiểm tra cho thấy, chì được dùng để tráng ở thành cốc bên ngoài nên chỉ gây hại khi tay tiếp xúc trực tiếp hoặc cạy lớp sơn ngoài bỏ vào miệng. Hơn nữa tác hại ở đây không đến mức cấp tính mà là qua quá trình tích lũy một thời gian lâu dài trong cơ thể. Vì thế để đảm bảo an toàn, người dân chỉ cần tránh dùng những sản phẩm trong danh mục đã được khuyến cáo chứ không nên quá hoang mang lo lắng", ông Lâm nói với VnExpress.net.

Ông Lâm cũng cho biết, hiện nay Việt Nam chưa có quy định cụ thể về hàm lượng kim loại chì chứa trong sản phẩm mà chủ yếu dựa theo tiêu chuẩn của Mỹ. Cụ thể quy định này cho phép hàm lượng chì chứa trong mỗi kg vật liệu sản xuất không được vượt mức tối đa là 0,03% (30 miligram trong một kg).


Tại chợ Bình Tây (quận 8, TP HCM), một số chủ tiệm bán ly cốc cho biết, đa phần các sản phẩm đều được nhập từ Trung Quốc và không có niêm yết thông tin về hàm lượng kim loại chì. Ảnh: Thi Ngoan.
Ở Hà Nội, VnExpress.net không tìm thấy sản phẩm ly trong danh mục cảnh báo ở thị trường, song các cửa hàng đều bày bán rất nhiều loại cốc thủy tinh in hình một số nhân vật hoạt hình với đủ kiểu dáng, màu sắc của Trung Quốc với giá từ 25.000 đến 60.000 đồng một chiếc.

Trao đổi về quy trình sản xuất các sản phẩm thủy tinh có sử dụng kim loại chì, Giáo sư Nguyễn Văn Tự, thuộc Liên hiệp hội Khoa học Công nghệ thủy tinh cho biết, thủy tinh là một chất rắn có gốc silicat, là một nguyên tố độc, và ở những môi trường ăn mòn mạnh (như đồ mặn, có axit, kiềm) hay ở nhiệt độ cao, chì sẽ dễ dàng thôi ra, và có thể ngấm vào cơ thể người.

Ở đây tùy theo yêu cầu kỹ thuật, nhà sản xuất có thể trộn thêm các tạp chất như chì vào thành phần nguyên liệu, giúp dễ nấu chảy để giảm nhiệt độ nung, tiết kiệm năng lượng, còn chì dùng tráng bên ngoài giúp sản phẩm thủy tinh trông đẹp, long lanh hơn (nhờ tính chất truyền sáng). Việc sản xuất các đồ trang sức, đồ trang trí, giả kim cương... thường áp dụng cách này.

Cách chọn đồ thủy tinh an toàn:

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tự, đồ thủy tinh chứa nhiều chì (như ly, cốc...) khi gõ vào thường có âm thanh rất vang (tiếng coong coong) như tiếng hàng kim khí; trong khi sản phẩm thủy tinh nguyên chất thì không có âm như vậy.

Để đảm bảo sức khỏe, nên chọn sử dụng những sản phẩm thủy tinh trong suốt, không có lớp sơn bọc lòe loẹt ở ngoài bởi khả năng lớp tráng này nhiễm chì. Tốt nhất chỉ nên dùng hàng có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, ghi rõ hàm lượng chì (nếu có) trên bề mặt, tránh những đồ trông quá long lanh, được trang trí bắt mắt.


Để đảm bảo an toàn cho sức khỏe, các cán bộ hữu trách khuyên, người dân không nên mua dùng những sản phẩm có in hình lòe loẹt. Ảnh: Thi Ngoan.
Quan tâm đến vấn đề này, Tiến sĩ Trần Hồng Côn, giảng viên khoa hóa, Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội thì cho rằng, việc cảnh báo về một sản phẩm thủy tinh chứa chì vượt quá nhiều lần mức cho phép gây độc cũng cần phải rõ ràng.

Ông giải thích: Cần phân biệt rõ khi nào chì trong thủy tinh gây độc, khi nào không. Thủy tinh là dung dịch các oxit, khi nấu người ta có thể cho thêm chì oxit và như vậy chì sẽ chui vào trong mạng lưới nguyên liệu, trở thành hợp chất trơ và không thể thôi ra ngoài được nên không gây độc. Như trong thành phần của pha lê có tới 28% là chì nhưng lâu nay nó vẫn được sử dụng rộng rãi và chưa ai nói có hại cả.

>>> Chì sẽ chỉ gây độc khi người ta sử dụng nó trong nước sơn trang trí bên ngoài các đồ thủy tinh.

Hợp chất chì được sử dụng trong trang trí đồ thủy tinh thường có hàm lượng rất lớn. Nó có khả năng thôi ra ngoài, khi gặp điều kiện thuận lợi và rất độc hại.

Khi đưa vào cơ thể, lượng chì này sẽ giải phóng ra các gốc tự do, thâm nhập vào các bộ phận, tích lũy trong xương, gây ảnh hưởng đến hệ thần kinh, máu... gây nhiễm độc nặng, thậm chí tử vong.

Tiến sĩ Côn cũng cho biết, người tiêu dùng hoàn hoàn có thể nhận biết đồ thủy tinh chứa chì độc hại: Đó là những vật dụng được in sơn lòe loẹt đỏ, vàng, có ranh giới rõ ràng giữa nét sơn và nền thủy tinh.

Thi Ngoan - Minh Thùy - Nam Phương

FACEBOOK GIA PHÚ CƯỜNG

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN

0938920568 - 0938920568

Skype Yahoo
Zalo
Hotline tư vấn: 028. 38120594
Về đầu trang